Ai phải bồi thường thiệt hại tai nạn do người chưa thành niên gây ra?

1
747

Câu hỏi tư vấn

Cậu em lái xe Honda với tình trạng cũng có rượu trong người nhưng chạy đúng làn đường bị cậu thanh niên A chưa đủ tuổi chạy xe 50cc va chạm, cậu em té và tử vong tại chỗ (cậu em chỉ mới 37 tuổi), sau vụ tai nạn xảy ra bên gây ra tai nạn chưa có sự bồi thường nào cả, người gây ra tai nạn là cháu của người làm việc cũng có chức quyền. Nạn nhân là trụ cột gia đình đang nuôi cha mẹ già, vợ và 2 con nhỏ, là lao động chính của gia đình, là đảng viên tốt có ích cho gia đình và xã hội. Cho em hỏi như vậy toà xử như thế nào mới hợp lí?

Luật sư tư vấn

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo thông tin bạn cung cấp, cậu của bạn lái xe trong tình trạng say rượu, nhưng đi đúng phần đường của mình, A là người chưa đủ tuổi chạy xe 50cc va chạm và gây ra tử vong tại chỗ cho cậu của bạn, nếu trong trường hợp này, xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại hoàn toàn từ phía A, thì A hoặc cha/mẹ hoặc người giám hộ của A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015:

Cá nhân đầy đủ năng lực hành vi dân sự từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự mình bồi thường

Cá nhân là người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; Nếu cha mẹ không có đủ tài sản để bồi thường mà người chưa thành niên có tài sản riêng thì phải sử dụng tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định thiệt hại gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện hoặc tổ chức khán quản lý.

Người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì do người giám hộ bồi thường bằng tài sản của người được giám hộ, nếu người được giám hộ không có tài sản thì bồi thường bằng tài sản của người giám hộ; Nếu việc thiệt hại không xuất phát từ lỗi trong việc giám hộ thì người giám hộ không phải bồi thường bằng tài sản của mình.

Như vậy, nếu trong trường hợp nêu trên, nguyên nhân xuất phát từ phía bên A thì tùy thuộc vào độ tuổi của A để xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên.

Xác định giá trị thiệt hại để bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp này như sau:

Thiệt hại về tài sản (Điều 589):

Tài sản bị mất, hủy hoại hoặc tài sản bị hư hỏng

Thiệt hại từ lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoặc bị giảm sút

Chi phí hợp lý gắn với việc ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại về tính mạng (Điều 591):

Chi phí cho việc cứu chữa, chăm sóc trước khi chết; Chi phí mai táng

Tiền cấp dưỡng cho những người mà cậu bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng

Chi phí bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cậu bạn.

Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại, phương thức bồi thường thiệt hại thì có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Nếu nguyên nhân vụ tai nạn xuất phát hoàn toàn từ lỗi của cậu bạn thì trong trường hợp này, phía bên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Xem thêm:

Các lỗi vi phạm giao thông xử phạt ngay không cần lập biên bản

Đâm cảnh sát giao thông trong lúc say rượu phạm tội gì?

Về trách nhiệm hình sự

Hành vi vi phạm quy tắc điều khiển giao thông đường bộ gây tai nạn khi tham gia giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiên phương tiện giao thông đường bộ gồm có:

Chủ thể: Là người đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Khách thể: Xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Mặt khách quan: Người phạm tội này đã có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ.

Hậu quả: Gây thiệt hại cho tính mạng,hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của người khác

Mặt chủ quan: Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý.

Nếu hành vi của A đáp ứng các yếu tố cấu thành nêu trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý theo các mức độ khác nhau.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

1 Bình luận

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây