Biển báo đường cấm là loại biển báo phổ biến trên đường, tuy nhiên nhiều người không hiểu rõ nên thường bị xử phạt hành chính. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn toàn bộ các quy định về biển báo đường cấm.
Contents
Đường cấm là gì?
Theo cách hiểu thông dụng nhất, đường cấm là thuật ngữ chỉ loại đường không cho các phương tiện đường bộ lưu thông có thể là một hoặc một số hoặc toàn bộ phương tiện. Nếu người điều khiển phương tiện đi vào đường cấm thì cá nhân họ sẽ chịu các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Đi vào đường cấm
Biển báo cấm có ý nghĩa gì?
Biển báo đường cấm là loại biển báo có ý nghĩa chỉ dẫn cho những người tham gia giao thông không thực hiện những điều cấm mà biển đã báo trên một đoạn đường nhất định Đây là nhóm biển báo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các loại biển báo giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Biển báo đường cấm đi ngược chiều là một trong những biển báo cấm phổ biến nhất có thể thấy.
Biển báo đường cấm đi ngược chiều có ý nghĩa cấm các phương tiện tham gia giao thông đi vào đoạn đường theo chiều đặt biển báo trừ các phương tiện giao thông được ưu tiên theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Nhận diện biển báo đường cấm
Biển báo đường cấm là loại biển báo quan trọng trong các loại biển báo giao thông đường bộ, biển báo này yêu cầu những người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ tuyệt đối và nghiêm chỉnh chấp hành theo biển báo. Nếu người tham gia giao thông không tuân thủ và vi phạm thì họ sẽ vi phạm luật giao thông và bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Biển báo đường cấm có những đặc điểm sau giúp các bạn có thể nhận diện: biển báo có dạng hình tròn, được trang trí bằng viền đỏ bên ngoài và được đánh số từ 101 đến 139.
Ngoài ra có một số loại biển báo đường cấm để giúp người tham gia giao thông có thể phân biệt và hiểu rõ hơn về ý nghĩa áp dụng của loại biển báo cho từng làn đường riêng biệt thì người ta sẽ trang trí thêm viền xanh bổ sung bên ngoài.
Vị trí của biển báo đường cấm và hiệu lực
Biển báo đường cấm được đặt ở vị trí bên ngoài hành lang để người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ nhưng không được làm cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông và sự đi lại của những người tham gia giao thông khác.
Biển báo đường cấm phải được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà pháp luật cho phép, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
Tùy theo từng trường hợp thì biển báo đường cấm sẽ có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc nó chỉ có hiệu lực cấm trên một hoặc một số làn đường đã được quy định cụ thể theo biển báo đặt trên đường.
Biển báo khi được đặt độc lập trên đường thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa độc lập của biển báo. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 thì nếu biển báo được sử dụng kết hợp đèn tín hiệu thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân theo đồng thời ý nghĩa của cả biển báo và đèn tín hiệu.
Mức xử phạt vi phạm khi đi vào đường cấm phạt bao nhiêu
*Đối với xe ô tô khi đi vào đường cấm:
Căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô đi vào đường có biển báo hiệu cấm xe ô tô thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng trừ các loại xe được ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc các hành vi vi phạm tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó căn cứ theo điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
*Đối với xe máy khi đi vào đường cấm
Căn cứ theo điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi vào đường có biển báo hiệu cấm xe máy thì bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng trừ các loại xe được ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc các hành vi vi phạm tại điểm c khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó căn cứ theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe máy còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
*Đối với xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện đi vào đường cấm
Phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với người điển khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện theo điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
*Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng đi vào đường cấm
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm máy kéo, xe máy chuyên dùng. Ngoài ra, bị tước Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01-03 tháng (điểm a khoản 10 Điều 7).
Câu hỏi
Các loại biển báo đường bộ cần lưu ý?
Khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm như sau:
– Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
– Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
– Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
– Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
– Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
Biển báo cấm giao thông đường bộ
Nhóm các biển báo cấm giao thông đường bộ gồm có 39 biển báo, được đánh số thứ tự từ biển số 101 đến biển số 139.
Đặc điểm của nhóm biển cấm: Có dạng hình tròn (trừ biển số 122 “dừng lại” có hình 8 cạnh đều) để báo điều cấm hoặc hạn chế mà mọi người phải tuyệt đối tuân theo.
Hầu hết các biển cấm đều có viền đỏ, nền mầu trắng, trên nền có hình vẽ mầu đen. Quy cách thống nhất như sau: đường kính biển báo là 70 cm, viền đỏ là 10 cm và vạch đỏ là 5 cm.
Biển báo đặc trưng cho điều cấm hoặc hạn chế sự đi lại của các phương tiện cơ giới, thô sơ và người đi bộ.
Các loại biển báo cấm có hiệu lực trên tất cả các làn đường hoặc trên một hoặc một số làn của một chiều xe chạy.
Đi vào đường cấm rẽ trái phạt bao nhiêu tiền
Trường hợp vi phạm quy định của biển báo cấm rẽ được xác định là lỗi đi vào đường cấm. Mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là:
Đối với ô tô: 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng.
Xe máy; Máy kéo, xe máy chuyên dùng: 400.000 đồng – 600.000 đồng.
Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện: 200.000 đồng – 300.000 đồng.
Xem thêm các vấn đề liên quan khác tại Luật đường bộ
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.