Hiện nay, với nhu cầu giao thương hàng hóa ngày một phát triển trên thế giới, nhu cầu sử dụng cảng biển ngày càng lớn để phục vụ cho giao thương đường biển. Bài viết này sẽ tìm hiểu về cảng biển – nền móng của nền kinh tế biển.
Contents
Cảng biển là gì?
Nghị định số 104/2012/NĐ-CP quy định và giải thích rất rõ khái niệm về cảng biển, theo đó cảng biển là khu vực bao gồm vùng nước cảng và vùng đất cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt các trang thiết bị và cho tàu biển ra, vào hoạt động nhằm mục đích bốc dỡ hàng hóa, thực hiện các dịch vụ khác và đón trả hành khách.
Bạn có thể tìm đọc thêm bài viết về cảng biển lớn nhất Việt Nam
Phân loại cảng biển
Dựa theo các tiêu chí như vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên và khả năng phục vụ, cảng biển được phân thành 03 loại chính bao gồm: Cảng biển loại I, Cảng biển loại II, và Cảng biển loại III.
Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô rất lớn, với mục đích phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng lãnh thổ và giữ vai trò vô cùng đặc biệt quan trọng.
Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa, giữ vai trò phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương.
Cảng biển loại III là cảng biển được thành lập với mục đích phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp và có quy mô nhỏ.
Bạn có thể tìm đọc thêm bài viết về giao thông đường thủy nội địa
Chức năng, nhiệm vụ của cảng biển
Với vị trí địa lý đặc biệt, cảng biển có những chức năng phổ biến như sau:
(i) Đảm bảo an toàn cho tàu biển vào, ra hoạt động.
(ii) Cung cấp trang thiết bị và phương tiện cần thiết cho tàu biển neo đậu đón trả hành khách và bốc dỡ hàng hoá.
(iii) Cung cấp dịch vụ bốc dỡ, vận chuyển, lưu kho bãi và bảo quản hàng hoá trong cảng.
(iv) Để tàu biển và các phương tiện thuỷ khác trú ẩn, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thực hiện những dịch vụ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.
(v) Cung cấp các dịch vụ khác cho tàu biển, người và hàng hoá.
Các cảng biển ở Việt Nam có nhiệm vụ như sau:
(i) Xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển trong phạm vi trách nhiệm.
(ii) Phối hợp hoạt động của các tổ chức, cơ quan thực hiện chức năng quản lí Nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.
(iii) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các qui định của pháp luật về đảm bảo an toàn cảng và luồng ra, vào cảng.
(iv) Phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lí sự cố ô nhiễm môi trường.
(v) Cấp giấy phép cho tàu ra, vào cảng và thực hiện các yêu cầu về bắt giữ, tạm giữ hàng hải.
(vi) Yêu cầu các cá nhân, cơ quan hữu quan cung cấp các thông tin, tài liệu để thực hiện chức năng quản lí Nhà nước của cảng.
Quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam về cảng biển
Xoay quanh vấn đề pháp lý về cảng biển, các quốc gia hiện nay đều dựa vào Công ước Viên năm 1982 về luật biển để xác định ranh giới cảng biển. Vấn đề này được quy định rõ theo Điều 11 Công ước năm 1982 về luật biển: “Để ấn định ranh giới lãnh hải các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của một hệ thống cảng, nhô ra ngoài khơi xa nhất và được xem là một bộ phận của bờ biển. Các đảo nhân tạo và các công trình thiết bị ở ngoài khơi xa bờ biển thì không được coi là những công trình thiết bị cảng thường xuyên”.
Như vậy, với cách hiểu thông thường thì bên trong cảng là bờ biển, còn bờ biển được xem là các công trình thiết bị thường xuyên cấu thành hệ thống cảng, nhô ra xa nhất về phía biển. Thực tế hiện nay, để xác định ranh giới phía ngoài của cảng biển khá phức tạp.
Ở Việt Nam, qua 15 năm thi hành, Bộ luật hàng hải năm 1990 đã bộc lộ những nhược điểm, bất cập so với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, tháng 6 năm 2005 Quốc hội khoá XI kì họp thứ 7 đã thông qua Bộ luật hàng hải năm 2005. Bộ luật này đã dành hẳn một chương (Chương IV) với 11 điều luật quy định về cảng biển và được áp dụng đến hiện nay.
Theo đó, cấu trúc hạ tầng cảng biển bao gồm cấu trúc hạ tầng bến cảng và cấu trúc hạ tầng công cộng cảng biển. Cấu trúc hạ tầng bến cảng bao gồm cảng và cầu, kho bãi, nhà xưởng, vùng nước trước cầu cảng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, điện, nước, luồng nhánh cảng biển, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng. Đối với cấu trúc hạ tầng công cộng của cảng biển bao gồm hệ thống báo hiệu hàng hải, luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
Đối với thẩm quyền đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển sẽ thuộc về Thủ tướng chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Giám đốc cảng vụ.
Bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết về luật đường bộ
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.