Chủ quyền quốc gia là vấn đề quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia. Chủ quyền quốc gia bao gồm các quyền cơ bản về bất khả xâm phạm về lãnh thổ, quyền tự quyết của quốc gia và quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại quốc tế. Trong bài viết này, công ty Luật TNHH Everest gửi đến bạn đọc những thông tin liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Contents
Chủ quyền quốc gia là gì?
Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ của quốc gia. Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị-pháp lý không thể tách rời quốc gia. Các quyền cơ bản nhất của chủ quyền quốc gia là: quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ; quyền dân tộc tự quyết những công việc của quốc gia; quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại với nước khác.
Quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp, tư pháp trong phạm vi lãnh thổ của mình. Lãnh thổ của một quốc gia được xác định là vùng đất, vùng trời, vùng biển và lòng đất.
Tìm hiểu thêm quyền tài phán của quốc gia ven biển
Quyền chủ quyền quốc gia ven biển
Căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này. Như vậy, chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi vùng nội thủy và vùng lãnh hải của quốc gia đó.
Chủ quyền quốc gia của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế được UNCLOS 1982 quy định tại điều 56. Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.
Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn.
Xem thêm các quy định về luật biển quốc tế tại UNCLOS 1982
Biển Đông và các tranh chấp trên Biển Đông
Biển Đông là một vùng biển rộng lớn nằm ở rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương. Biển Đông rộng hơn 3 triệu km vuông, được bao bọc bởi 9 nước là: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunay, Singapore, Thái Lan, Campuchia và một vùng của Đài Loan. Biển Đông nằm ở vị trí địa lý có ý nghĩa chiến lược trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Biển Đông là cầu nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương; Châu Âu – Châu Á; Trung Đông – Châu Á. Hàng ngày có khoảng 150 – 200 tàu qua lại trên Biển Đông, khoảng 50% là tàu trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu trên 30.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng vận chuyển qua Biển Đông gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Bên cạnh đó, Biển Đông còn là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới.
Với những lợi ích khổng lồ như vậy, các nước trên thế giới ra sức tạo sự ảnh hưởng trên Biển Đông. Các quốc gia ven Biển Đông không ngừng tìm cách củng cố và gia tăng quyền chủ quyền của mình đối với phần lãnh thổ hướng ra biển. Như đã trình bày, chủ quyền lãnh thổ là cơ sở căn bản nhất để có được quyền tài phán. Các quốc gia có được quyền tài phán trên diện tích vùng biển càng lớn thì càng có được về nhiều lợi ích và ưu thế. Do đó, hiện nay trên Biển Đông xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia.
Một số vụ tranh chấp nổi tiếng có thể kể đến là: vụ tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường giữa Việt Nam với Trung Quốc; vụ tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines; tranh chấp trong yêu sách trên Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines; tranh chấp các đảo giữa Malaysia và Singapore…
Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là vấn đề gây ra sự căng thẳng trong nhiều năm. Các quốc gia trên thế giới cực lực phản đối yêu sách vô lý này của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Nước ta thể hiện quan điểm nhất quán về chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ chủ quyền tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Xem thêm các bài viết có liên quan tại luật đường bộ
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.