Việc tham gia giao thông và đi qua vòng xuyến là điều hết sức bình thường. Nhưng liệu bạn đã nắm rõ đầy đủ các quy tắc?
Contents
Vòng xuyến là gì?
Với những bạn trẻ mới học lái xe ô tô (hoặc xe máy), thì có thể chưa quen lắm với thuật ngữ này.
Vòng xuyến giao thông là ụ tròn tại giao lộ mà tại đó các phương tiện giao thông phải đi theo hình vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ như hình mũi tên chỉ. Vòng xuyến còn gọi là bùng binh, hay vòng xoay giao thông.
Để được gọi là vòng xuyến thì phải có 2 yếu tố:
- Vòng tròn có mũi tên chỉ hướng đi ngược chiều kim đồng hồ
- Trước chỗ giao cắt, phải có biển báo số 303 – Nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến
Có cần xi nhan khi đi qua vòng xuyến không?
Tôi thấy có nhiều trường hợp và quan điểm khác nhau:
- Do kích thước vòng xuyến to nhỏ khác nhau: cái nhỏ nằm lọt ở giữa chỗ giao cắt, xe có thể đi thẳng qua không cần thay đổi gì về làn, hay hướng thì có cần bật đèn xi nhan không? Nhiều người nói là không cần xi nhan.
- Ở những ngã 5, ngã 6 với bùng binh lớn, các xe đi vào sẽ thì rõ ràng cần phải chuyển hướng sang trái (xi nhan trái) để đi theo hướng mũi tên, sau đó rẽ vào đường nhánh lại chuyển hướng sang phải (xi nhan phải). Như vậy lại cần 2 lần bật đèn tín hiệu rẽ.
- Vị trí vòng xuyến có thể nằm giữa đường xe đang đi, nhưng cũng có thể nằm lệch hẳn về một bên. Chẳng hạn trường hợp vòng xuyến nằm lệch hẳn về bên phải, khi vào vòng xuyến, xe trước hết cần chuyển hướng sang phải (xi nhan phải), sau đó ôm cua trái theo vòng xuyến (xi nhan trái), rồi cuối cùng rẽ sang phải vào đường nhanh (lại xi nhan phải). Vậy là xi nhan những 3 lần: phải – trái – phải.
Rõ ràng, trong những trường hợp cụ thể khác nhau, cách xử lý lại có phần khác nhau. Ngay cả cùng một trường hợp cũng có thể có cách giải thích không thống nhất. Vậy mới phát sinh tranh luận.
Căn cứ vào luật: có cần xi nhan khi qua bùng binh không?
Rất tiếc, Luật giao thông đường bộ và văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về xi nhan khi đến vòng xuyến.
Vì thế, chúng ta phải viện dẫn đến quy định chung chung hơn tại Điều 15 – Chuyển hướng xe:
“Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.”
Mấu chốt ở đây là từ “chuyển hướng”: khi nào muốn chuyển hướng thì phải bật xi nhan.
Nhưng rắc rối ở chỗ, luật lại chẳng quy định rõ thế nào được gọi là “chuyển hướng”. Người dân cũng không rõ là chuyển hướng xe hay hướng đường. Thế mới có CSGT phạt tài xế đi đường cong không xi nhan (nhưng đã được Thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt CA TPHCM (PC67) đã có công văn phản hồi “nghiêm cấm CSGT thổi phạt người di chuyển đường cong không bật tín hiệu“).
Nghĩa là khi ta đang lái xe, chẳng hạn nếu muốn chuyển sang hướng khác (chuyển làn, hoặc rẽ, hoặc quay đầu), thì phải bật xi nhan. Còn nếu chỉ đánh lái qua trái, qua phải để tránh chướng ngại vật (ổ gà, hố ga mất nắp, túi rác…) thì không coi là chuyển hướng, và không bắt buộc phải xi nhan, chứ nếu không thì lái xe có mà xi nhan cả ngày.
Vậy với một số loại vòng xuyến
- Với vòng xuyến nhỏ: người có thể đi thẳng qua (mà không cần bám theo bùng binh), thì không cần bật xi nhan làm gì cho xe sau hiểu nhầm. Bản chất là không thay đổi hướng đi, theo luật không cần bật tín hiệu gì. Còn nếu tại đó các bác muốn rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu thì phải bật xi nhan như bình thường.
- Với vòng xuyến lớn, nằm chắn giữa đường (không lệch hẳn về bên nào): tôi thấy có 2 trường hợp. Trường hợp 1: nếu chỉ cần rẽ phải ngay khi vừa đến chỗ giao cắt, mà không cần bám theo bùng binh, khi đó chỉ cần xi nhan phải trước khi rẽ, vì bản chất là chỉ có 1 lần chuyển hướng sang phải. Trường hợp 2: nếu cần cua một đoạn theo vòng tròn trước khi rẽ phải vào đường nhánh, thì cần phải xi nhan 2 lần, theo nguyên tắc “vào trái ra phải”: trước khi vào bùng binh thì bật xi nhan trái, và chuẩn bị ra khỏi bùng binh thì xi nhan phải.
- Nếu vòng xuyến lớn nằm lệch hẳn về một bên đường, thì có lẽ cũng cần đến 3 lần xi nhan. Lần 1: báo chuyển sang hướng bùng binh. Lần 2: báo vào bùng binh, và lần 3: báo ra khỏi bùng binh đi vào đường nhánh. Nếu vào và rẽ phải luôn (không ôm cua) thì cũng chỉ cần xi nhan phải là xong.
Theo những quy định này, việc có phải xi nhan khi ra vào vòng xuyến không không được nhắc đến. Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ cũng chưa có quy định về xử phạt lỗi không xi nhan khi ra vào vòng xuyến.
Như vậy, có thể thấy việc xi nhan khi ra vào vòng xuyến không phải trường hợp bắt buộc.
- Quy định pháp luật về việc khi đi qua vòng xuyến phải bật đèn xi nhan
- Đảm bảo giao thông xuyên suốt cho Đại hội Đảng lần thứ XIII
- Những lưu ý khi di chuyển qua vòng xuyến bạn nên biết
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.