Như đã biết, Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông trên đường. Vậy CSGT có được yêu cầu dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên xe?
Contents
Khi nào CSGT được yêu cầu dừng xe?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT khi tiến hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 04 trường hợp sau:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng/Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
– Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, trường hợp trực tiếp phát hiện vi phạm hoặc có tin báo, phản ánh về hành vi vi phạm của người và phương tiện, thực hiện nhiệm vụ tổng kiểm soát,.. thì CSGT có quyền yêu cầu dừng xe để kiểm soát.
CSGT có quyền kiểm tra hàng hóa trên xe không?
Khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm soát, CSGT có quyền kiểm soát các nội dung nêu tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA như sau:
– Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông;
– Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông;
– Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Trong đó, Điều 64 Luật Giao thông đường bộ giải thích về hoạt động vận tải đường bộ như sau:
1. Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ…
2. Kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa.
Theo đó, CSGT có quyền kiểm soát hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường.
Trước đây, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đã giải thích cụ thể về nội dung kiểm soát hoạt động vận tải đường bộ gồm: quy cách, kích thước, trọng lượng, tính hợp pháp của hàng hoá,… Nhưng đến Thông tư 65/2020/TT-BCA, nội dung giải thích này đã bị bãi bỏ, đồng thời cũng không có quy định thay thế.
Dù vậy, hiện nay, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, CSGT là người có thẩm quyền xử phạt các lỗi liên quan đến hàng hóa được chở trên phương tiện như: xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn; vận chuyển hàng hóa vượt quá trọng tải; chằng buộc hàng hóa không bảo đảm an toàn; chở hàng hóa vượt quá kích thước bao ngoài của xe…
Do đó, CSGT hoàn toàn có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để kiểm soát quy cách đóng hàng, chằng buộc, kích thước và trọng lượng của hàng hóa trên xe.
Khi kiểm tra, CSGT có được khám xét bên trong hàng hóa?
Như đã phân tích, CSGT được quyền kiểm tra quy cách đóng, chở hàng, kích thước và trọng lượng của hàng hóa. Tuy nhiên, nếu muốn khám xét bên trong hàng hóa, cần thực hiện theo quy định tại Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Theo đó, khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính thì mới có quyền khám hàng hóa trên xe.
Tuy nhiên, không phải chiến sĩ CSGT nào cũng có quyền này mà chỉ những người được nêu tại khoản 1 Điều 123 Luật này mới được khám phương tiện, đồ vật như Trưởng Công an phường, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,…
Trường hợp đặc biệt, tại khoản 3 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy, thì chiến sĩ CSGT được quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính
Đồng thời phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp của mình và phải chịu trách nhiệm về việc khám.
Như vậy, CSGT chỉ có quyền khám bên trong hàng hóa khi có căn cứ nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.
- Đổi biển 4 số sang 5 số có phải đăng kiểm lại?
- 6 chính sách mới về ô tô trong năm 2021 người dân cần biết
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.