Hơn 100 hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức phạt. Lí do tại sao mời độc giả quan tâm cùng đọc bài viết dưới đây.
Contents
Hơn 100 hành vi vi phạm giao thông tăng mức phạt, vì sao?
Nghị định 46 quy định phạt lỗi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ
Hàng loạt quy định mới trong xử phạt giao thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, nhất là những hành vi bị tăng nặng mức hình phạt đã được CSGT và các cơ quan chức năng giải đáp thấu đáo.
Tăng mức phạt không nhằm mục đích thu phạt cao. Một số ý kiến cho rằng, những năm gần đây liên tục tăng mức phạt vi phạm giao thông. Việc này có thỏa đáng khi đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn?
Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT cho rằng, khi xử phạt cao thì áp lực với CSGT cũng rất lớn. Tuy nhiên, đây là điều cần phải làm để tăng tính răn đe. “Nhiều mức phạt cao, thậm chí lên đến 18 triệu đồng sẽ khiến người dân nhận thức được hậu quả khi vi phạm. Chẳng hạn, xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao, người điều khiển phương tiện phải cân nhắc giữa việc uống hay không trước khi ra đường”, Thượng tá Bình phân tích.
Nói rõ hơn về việc này, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, Nghị định 46 sẽ có tác động lớn đến hiệu quả công tác bảo đảm ATGT. Nghị định được sửa đổi, bổ sung mức phạt với nhiều hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Nếu không có chế tài tương xứng khó có thể ngăn chặn được vi phạm, từ đó kéo giảm TNGT.
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật giao thông, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Vì sao vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ?
Một trong những quy định của Nghị định 46 nhiều người thắc mắc là vì sao vượt đèn vàng cũng bị phạt bằng vượt đèn đỏ. Lý giải điều này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, đèn vàng là dự lệnh, thông báo chuẩn bị đèn sang màu đỏ.
“Trước đây, quy định tách thành hai hành vi vượt đèn vàng và vượt đèn đỏ. Nhưng với Nghị định 46 phạt hai hành vi như nhau. “Trong trường hợp lưu thông qua giao lộ không có trở ngại, không bị cản trở bởi dòng xe hoặc vật cản phía trước, các xe đỗ trước vạch dừng khi đèn vàng thường là xe vi phạm tốc độ, không tuân thủ tín hiệu đèn. Vì thiết kế đèn tín hiệu đã tính đủ thời gian để xe lưu thông qua ngã tư nếu tuân thủ đúng hiệu lệnh”, Thiếu tá Hùng nói.
Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Thanh Bình nói rõ: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh, mục tiêu của việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm là để đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông. Ở ranh giới rất mong manh này, chúng tôi cân nhắc phạt hay không dựa trên ưu tiên việc đảm bảo ATGT cho người dân, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông”.
Ông Hoàng Thế Tùng giải thích thêm, nếu chia làm hai mức phạt như trước, vượt đèn đỏ nặng hơn, đèn vàng nhẹ hơn có nhiều bất cập. Điều này tạo tâm lý cho người điều khiển phương tiện khi đi qua nút giao gần đến đèn vàng thì tăng tốc để vượt qua, nếu có bị phạt mức phạt cũng nhẹ. Đây là thói quen không tốt, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Do đó, Nghị định 46 đưa hai mức phạt này làm một để đảm bảo ATGT.
Không chấp hành đo nồng độ cồn có thể bị khởi tố hình sự
Vi phạm nồng độ cồn là một trong những hành vi bị phạt nặng nhất trong Nghị định định 46, có thể lên tới 18 triệu đồng. Nhiều người vẫn băn khoăn, khi tham gia giao thông nếu từ chối đo nồng độ cồn sẽ bị quy vào tội gì. Về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị định 46 quy định rất rõ, hành vi không chấp hành thử nồng độ cồn cũng là hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Chống đối người thi hành công vụ là hành vi vi phạm cao nhất và có thể bị xử lý hình sự.
“Thực tế, người đã sử dụng rượu, bia và nồng độ cồn cao sẽ rất bị kích thích. Do đó, đây là khó khăn trong quá trình thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác của CSGT”, Thiếu tá Hùng nói.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin thêm, phân tích cho thấy, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, nhất là vụ những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khi điều khiển mô tô, ô tô. Vi phạm nồng độ cồn chiếm khoảng từ 10 – 20%, do đó tăng mạnh mức phạt đối với hành vi này là rất cần thiết. “Ủy ban ATGT Quốc gia đã họp rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Thông tư 26 quy định bắt buộc xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ cồn với nạn nhân TNGT. Tới đây, khi tổng kết được các số liệu người bị TNGT vì uống rượu, bia sát thực tế hơn, chúng tôi sẽ đề xuất các hình thức xử lý cụ thể”, ông Thái nói.
Lái xe đóng cửa bỏ đi, TTGT có được quyền tháo biển?
Chở quá tải cũng là hành vi bị phạt rất nặng trong Nghị định 46. Đáng chú ý, tới đây, cảng vụ hàng hải, đường thủy nội địa được giao thẩm quyền xử phạt với hành vi xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Trường, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, lực lượng cảng vụ hàng hải, đường thủy nội địa đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ từ 1/8.
Công tác kiểm soát tải trọng đã triển khai từ nhiều năm nay, trong đó, nòng cốt là hai lực lượng CSGT và TTGT. “Rõ ràng việc xếp hàng quá tải lên xe xuất phát từ bến bãi, cần phải ngăn chặn từ đầu. Vừa qua, Nghị định 46 đã đưa hành vi xếp hàng lên xe quá tải vào chế tài xử lý. Mặc dù xe chưa tham gia giao thông, nhưng xếp hàng quá tải trọng đã vi phạm pháp luật”.
Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là thời gian qua, tình trạng lái xe quá tải chống đối bằng cách khóa cửa bỏ đi. Khi đó TTGT có được tháo biển, dán băng dính cửa xe, tháo tem kiểm định với xe. Ông Trường cho biết, trước hết cần xác định hành vi xếp hàng là hành vi của người xếp hàng, không phải của lái xe.
Trường hợp này, người xếp hàng là chủ cảng, chủ bến hoặc người được thuê. Nếu lái xe đóng cửa xe bỏ đi được xác định là hành vi chống đối người thi hành công vụ. Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép TTGT tháo biển. Các biện pháp ngăn chặn để phục vụ công tác xử phạt quy định rõ trong Nghị định 46 là tạm giữ xe, phong tỏa tài khoản.
- Tăng gấp đôi mức phạt hành vi nhồi nhét khách
- Lái ô tô có nồng độ cồn vượt mức phạt tới 18 triệu đồng
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.