Nhiều người lầm tưởng rằng lúc gặp đèn đỏ chỉ cần rẽ phải là “an toàn”, nhưng trên thực tế có những trường hợp nếu các bạn thực hiện như trên sẽ coi là hành vi vượt đèn đỏ rẽ phải và sẽ “được” nhận biên bản phạt của cảnh sát giao thông..
Contents
Quy định pháp luật chung
Tín hiệu đèn đỏ
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi bổ sung quy định về báo hiệu đường bộ bằng tín hiệu đèn giao thông như sau:
Tín hiệu đèn giao thông có ba màu:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo đó, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Đặc biệt, tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
Có được rẽ phải khi đèn đỏ bật sáng?
Các trường hợp gặp đèn đỏ được rẽ phải
Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT quy định các trường hợp dưới đây thì được rẽ phải khi gặp đèn đỏ:
(i) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Hiệu lệnh của đèn tín hiệu…
Như vậy có nghĩa là các bạn phải ưu tiên nghe theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông, người được giao nhiệm vụ điều tiết giao thông…) trước, nếu không có hiệu lệnh của những người trên thì chấp hành theo tín hiệu giao thông (đèn đỏ)
(ii) Khi có biển báo phụ cho phép rẽ phải
(iii) Có đèn báo hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải được lắp đặt kèm theo.
(iv) Có vạch kẻ đường cho phép rẽ phải
Vạch kẻ đường cho phép người tham gia giao thông rẽ phải thường gặp là các vạch kẻ mắt võng. Vạch mắt võng đi kèm theo mũi tên chỉ hướng rẽ phải thì phương tiện được phép rẽ phải.
Các trường hợp không được rẽ phải khi gặp đèn đỏ
Nếu không có điều kiện được phép rẽ phải như trên thì khi tín hiệu đèn giao thông màu đỏ, tất cả loại phương tiện tham gia giao thông bắt buộc phải dừng lại, không được phép rẽ phải.
Như vậy, trong trường hợp đèn đỏ bật sáng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp có biển phụ hoặc đèn phụ báo được phép rẽ phải thì mới được phép rẽ phải hoặc nếu có người điều khiển giao thông thì phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Bạn có thể tham khảo tất tần tật về lỗi vượt đèn đỏ tại đây!
Mức xử phạt khi vi phạm vượt đèn đỏ rẽ phải
Nếu không có các tín hiệu cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ như tín hiệu đèn xanh báo hiệu cho phương tiện được phép rẽ phải, biển báo cho phép phương tiện được phép rẽ phải, có tiểu đảo phân luồng cho phép phương tiện được rẽ phải, hoặc có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép phương tiện được rẽ phải, mà các phương tiện vẫn cố tình rẽ phải thì đều bị coi là lỗi vượt đèn đỏ rẽ phải, là hành vi vượt đèn đỏ – hành vi trái pháp luật.
Về mức phạt khi vượt đèn đỏ rẽ phải: Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định của pháp luật khi đèn đỏ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(i) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 6.
(ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 7.
(iii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 5.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 đến 03 tháng.
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn