Contents
1. Khái niệm và phân biệt làn đường, vạch kẻ đường
- Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn theo quy định của pháp luật, là phần đường xe chạy chính là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường
- Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo, đèn tín hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng lưu thông xe. Có nhiều cách phân loại vạch kẻ đường như dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng); dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc)…
- Lỗi đi sai vạch kẻ đường hay chính xác là lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Lỗi này thường ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường.
2. Quy định về làn đường dành cho xe máy
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.”
Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 Điều 49 QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành kèm theo thông tư: “Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự quy định tại Điều 3 của Quy chuẩn này.”
Điểm f Mục G.1 Phụ lục G QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 quy định: Vạch đứt khúc trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân chia các làn xe cùng chiều để lái xe nhận biết điều khiển xe chạy an toàn. Nếu vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường. Vạch liền trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Khi vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng.
Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.”
Như vậy, Căn cứ quy định nêu trên:
+ Vạch liền trắng thể hiện phân cách làn giữa xe có động cơ và xe không có động cơ (hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy).
+ Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
Việc chuyển làn chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
3. Mức xử phạt khi không đi đúng làn đường theo luật hiện hành
Về mức xử phạt, căn cứ theo quy định mới nhất là Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 thì đối với lỗi đi sai làn sẽ bị xử phạt như sau:
-Lỗi ô tô không đi đúng làn đường căn cứ vào điểm đ khoản 5 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP :
“5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này; điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;”
-Lỗi xe máy đi không đúng làn đường căn cứ vào điểm g khoản 3 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;“
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.