Có thể nói, Giấy phép lái xe là một trong những vật bất ly thân của tài xế khi đi đường. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về Giấy phép lái xe mà mình đang sở hữu. Dưới đây là thông tin cần biết về phân hạng Giấy phép lái xe.
Contents
Giấy phép lái xe là gì? Do cơ quan nào cấp?
Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm “Giấy phép lái xe”. Tuy nhiên, có thể hiểu:
Giấy phép lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Trong đó, căn cứ Điều 29 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe gồm:
(i) Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp Giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.
(ii) Sở Giao thông vận tải: Cấp Giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giấy phép lái xe bao gồm những hạng nào?
Căn cứ Điều 16 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, hiện nay tại Việt Nam có các hạng Giấy phép lái xe sau:
(i) Giấy phép lái xe hạng A1: Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 – dưới 175 cm3, xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
(ii) Giấy phép lái xe hạng A2: Cấp người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
(iii) Giấy phép lái xe hạng A3: Cấp người điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
(iv) Giấy phép lái xe hạng A4: Cấp người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg.
(v) Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động: Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; ô tô dùng cho người khuyết tật.
(vi) Giấy phép lái xe hạng B1: Cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển: Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
(vii) Giấy phép lái xe hạng B2: Cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển: Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
(viii) Giấy phép lái xe hạng C: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
(ix) Giấy phép lái xe hạng D: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
(x) Giấy phép lái xe hạng E: Cấp cho người lái xe để điều khiển: Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
(xi) Giấy phép lái xe hạng F: Cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa. Cụ thể:
- Hạng FB2: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2.
- Hạng FC: cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2.
- Hạng FD: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2.
- Hạng FE: Cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Bao nhiêu tuổi được cấp Giấp phép lái xe?
Theo Điều 59 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, độ tuổi để được cấp Giấy phép lái xe được quy định như sau:
- Hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2: Đủ 18 tuổi trở lên.
- Hạng C: Đủ 21 tuổi trở lên.
- Hạng D: Đủ 24 tuổi trở lên.
- Hạng E: Đủ 27 tuổi trở lên.
- Hạng FB2: Đủ 21 tuổi trở lên.
- Hạng FD: Đủ 27 tuổi trở lên.
- Hạng FE: Đủ 27 tuổi trở lên.
- Hạng FC: Đủ 24 tuổi trở lên
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về pháp luật hãy tham khảo tại đây!