Việc quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông (CSGT) làm việc là quyền của dân. Đảm bảo cho người dân thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Để thực hiện việc quay phim, ghi hình như thế nào là “đúng luật”? Luatduongbo.vn sẽ tư vấn qua bài viết sau.
Contents
Quy định về quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông làm việc
Hiện nay, không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức đang làm việc và nguyên tắc chung là công dân được làm tất cả những gì luật không cấm.
Theo đó, việc quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông làm việc không cấm, tuy nhiên chưa được hướng dẫn cụ thể, nên dễ gây nhầm lẫn là không được thực hiện.
Như vậy, nếu tại trụ sở công an, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ không cắm biển “khu vực cấm”, “cấm quay phim chụp ảnh”, v.v.., hay không liên quan đến bí mật Quốc gia, thì công dân có quyền quay phim chụp ảnh.
Việc quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức, ở đây là cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của cá nhân mà là ghi hình ảnh công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng, và việc đó hoàn toàn có thể coi là một loại hình thức giám sát.
Công dân có quyền giám sát này theo Luật Công an Nhân dân và Luật Cán bộ công chức.
Khoản 3 Điều 5 Luật Công an Nhân dân năm 2018: “Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Khoản 3 Điều 8 Luật Cán bộ công chức năm 2008 quy định về Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”.
Quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông sao cho đúng luật?
Việc cho phép người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý những nội dung sau đây để đảm bảo thực hiện đúng với quy định của pháp luật:
Thứ nhất, quay phim, chụp ảnh phải khách quan, trung thực, không được cắt ghép chỉnh sửa. Trường hợp cắt ghép nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của CSGT, lợi dụng vào đó kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia chống phá chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, quay phim, chụp ảnh phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSGT; chỉ thực hiện trong khu vực cho phép, không được quay phim, chụp ảnh trong khu vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông hoặc các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế quay phim, chụp hình,…
Quy định về việc bắt buộc lắp camera hành trình đối với xe ô tô
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
-
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn