Khác với quy trình tuyển dụng lao động trong nước, việc tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có quy trình phức tạp hơn. Đòi hỏi các chủ lao động mất nhiều thời gian và tiến hành các thủ tục nhiều hơn.
Để có thể tuyển dụng, trước hết cần đáp ứng điều kiện mà pháp luật lao động đã quy định tại Điều 170 Bộ luật lao động năm 2012:Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Còn đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy trình tuyển dụng có thể khái quát như sau:
- Thông báo tuyển dụng
- Gửi thư mời người lao động và xin visa lao động cho người nước ngoài
- Xin cấp giấy phép lao động
- Thông báo bắt đầu sử dụng lao động nước ngoài
Cụ thể là như thế nào?
Thứ nhất về Thông báo tuyển dụng. Đây là việc làm bắt buộc phải làm trước thời hạn nộp hô sơ xin cấp Giấy phép lao động 1 tháng. Doanh nghiệp có thể đăng thông báo tuyển dụng trên 1 số báo địa phượng và 1 số báo trung ương.Hoặc là đăng thông báo tuyển dụng tại các trung tâm môi giới, giới thiệu việc làm.
Trong trường hợp người lao động là người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thì giữa hai công ty phải có văn bản thỏa thuận, thay cho thông báo tuyển dụng.
Thứ hai là gửi thư mời và xin visa lao động cho người nước ngoài.
Những người lao động nước ngoài thường chưa nhập cảnh vào Việt Nam. Việc xin visa sẽ có 2 trường hợp như thế này:
Trường hợp thứ nhất là người nước ngoài có quốc tịch của quốc gia được pháp luật Việt Nam cho phép nhập cảnh và lưu trú trong một thời gian nhất định mà không phải làm các thủ tục đóng phí liên quan đến việc xuất nhập cảnh.Tức là thuộc diện được miễn thị thực. Đối với trường hợp này doanh nghiệp thông báo cho người nước ngoài được biết và bảo lãnh xin visa 3 tháng cho họ theo loại visa B3 ( Cấp cho người vào làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam) để đợi xin giấy phép lao động.
Trường hợp thứ hai, là trường hợp người nước ngoài không được miễn thị thực. Trường hợp này, doanh nghiệp tiến hành gửi thư mời và yêu cầu người nước ngoài tự xin visa lao động B3 để vào Việt Nam.
Những người lao động nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam rồi thì phải tiến hành thủ tục chuyển đổi hình thức visa sang visa lao động B3 nếu chưa thuộc loại này.
Thứ ba, đó là thủ tục xin giấy phép lao động. Việc này, doanh nghiệp tiến hành tại Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nơi chi nhánh của doanh nghiệp đặt trụ sở chính nếu người nước ngoài làm việc tại chi nhánh.
Cuối cùng là thông báo bắt đầu sử dụng lao động nước ngoài. Doanh nghiệp thông báo tới Sở lao động thương binh và xã hội khi bắt đầu sử dụng lao động.