Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật

0
856

Bộ luật lao động quy định khuôn khổ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Người lao động. Theo đó,người sử dụng lao động có trách nhiệm nắm rõ và áp dụng vào thực tế doanh nghiệp của mình, trên cơ sở hài hoà, đúng luật và hiệu quả.

Bên cạnh những qui định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, thưởng,… thì việc đưa ra qui định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động một cách hợp lí cũng là một trong những biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thu hút lao động, tạo điều kiện để họ làm việc đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Điều 104 Bộ luật lao động năm 2012 (sau đây viết tắt là BLLĐ) thời giờ làm việc của người lao động (sau đây viết tắt là NLĐ) được quy định: “không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .” Thời giờ làm việc này áp dụng cho các công việc bình thường, không có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay đối tượng đặc biệt nào. Người sử dụng lao động (sau đây viết tắt là NSDLĐ) có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày, theo tuần và ngày nghỉ hàng tuần trên cơ sở quy định chung, phù hợp với điều kiện đơn vị. Trong một số trường hợp do tính chất sản xuất theo ca, kíp mà cần phải phân bố lại thời giờ làm việc trong ngày, số ngày làm việc trong tuần, trong tháng cho thích hợp thì NSDLĐ phải thống nhất với tập thể NLĐ thông qua Thỏa ước lao động tập thể với nguyên tắc chung là thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày hoặc 10 giờ/ngày (đối với trường hợp quy định theo tuần làm việc) và không quá 48 giờ/tuần tùy theo điều kiện và khả năng của doanh nghiệp.
Đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc một số lao động có đặc điểm riêng như phụ nữ có thai, lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người cao tuổi,…thì thời giờ làm việc được rút ngắn hơn thời giờ làm việc bình thường mà NLĐ vẫn hưởng nguyên lương. Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLLĐ: “Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành .”

(ii) Thời giờ làm việc có hưởng lương

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc có hưởng lương bao gồm: Nghỉ trong giờ làm việc; nghỉ giải lao theo tính chất của công việc; nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người; thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh; thời giờ phải ngừng việc không theo lỗi của người lao động; thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

(iii) Thời giờ làm thêm

Thời giờ làm thêm là thời giờ làm việc của NLĐ ngoài phạm vi thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời giờ làm thêm đối với NLĐ có những nội dung sau: Số giờ làm thêm, NLĐ cso thể thỏa thuận với NSDLĐ nhưng không vượt quá 50% số giờ làm việc được quy định trong một ngày đối với từng loại công việc. Trường hợp làm việc theo tuần thì tổng cộng thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Thời gian làm thêm không vượt quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không vượt quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không vượt quá 300 giờ/năm. Sau mỗi đợt làm thêm tối đa bảy ngày liên tục trong tháng, NSDLĐ phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian không được nghỉ. Nếu không bố trí nghỉ bù số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ cho NLĐ.

(iv) Thời giờ làm việc ban đêm

Thời giờ làm việc ban đêm là khoảng thời gian làm việc được ấn định tùy theo vùng khí hậu. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời giờ làm việc ban đêm được xác định trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

(v) Thời giờ làm việc linh hoạt

BLLĐ hiện hành quy định đối với một số trường hợp tạo điều kiện vận dụng thời giờ làm việc linh hoạt như đối với những NLĐ làm việc theo hợp đồng không trọn thời gian (Điều 166 BLLĐ); nhận công việc về nhà làm (Điều 185 BLLĐ), khuyến khích NLĐ áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt.

Thời giờ nghỉ ngơi

(i) Nghỉ trong giờ làm việc

Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ làm việc liên tục 8 giờ/ngày hoặc 6 giờ/ngày (đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại được rút ngắn) thì được nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. Ngoài thời giờ nghỉ ngơi này, NLĐ làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên, kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ ít nhất là 30 phút tính vào giờ làm việc. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ này NSDLĐ quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

(ii) Nghỉ hàng tuần

Trong một tuần làm việc, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt, do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì NSDLĐ có trách nhiệm đảm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất 4 ngày.

(iii) Nghỉ hàng năm

Điều kiện nghỉ hàng năm là NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một NSDLĐ thì được hưởng chế độ nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương với các mức quy định.

Mức nghỉ hàng năm: 12 ngày làm việc đối với người làm việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật; 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Ngoài ra, số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ còn tăng theo thâm niên làm việc. Cứ có năm năm làm việc cho một NSDLĐ thì được tính nghỉ thêm một ngày làm việc, số ngày nghỉ thêm nhiều hay ít phụ thuộc vào tổng số năm thực tế làm việc.

(iv) Nghỉ lễ, nghỉ tết

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch 05 ngày; Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

(v) Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây: Kết hôn: nghỉ 03 ngày; Con kết hôn: nghỉ 01 ngày; Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày. NLĐ được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với NSDLĐ khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài ra, NLĐ có thể thoả thuận với NSDLĐ để nghỉ không hưởng lương.

(vi) Nghỉ theo thỏa thuận

Bên cạnh việc quy định một số thời gian nghỉ theo chế độ, pháp luật cũng tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên, cho phép các bên tự do thỏa thuận thời giờ nghỉ theo nhu cầu và phù hợp với điều kiện của các bên.

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt

Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, thăm dò khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; công việc của thợ lặn, công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ thì các bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 108 của BLLĐ.

Luật sư có thể cung cấp những dịch vụ pháp lý về lao động nào?

Hợp đồng lao động: Tư vấn các vấn đề pháp lý đối với Hợp đồng lao động và các hợp đồng liên quan khác. Soạn thảo hợp đồng lao động nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các bên;

Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể: Tư vấn, xây dựng, đưa ra giải pháp và soạn thảo, đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động phù hợp với hoạt động kinh doanh, mô hình sản xuất của doanh nghiệp;
Xử lý kỉ luật: Tư vấn về điều kiện, quy trình xử lý kỷ luật người lao động, đánh giá tính hợp pháp của quyết định xử lý kỷ luật lao động, về tiền bồi thường, trợ cấp thôi việc, mất việc, thất nghiệp và các trợ cấp có liên quan khác, đại diện cho doanh nghiệp đám phán các vấn đề về thủ tục xử lý kỉ luật;
Giải quyết tranh chấp lao động: Hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng, đại diện khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đại diện cho doanh nghiệp/người lao động tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động;
Công đoàn: Tư vấn và hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý đối với quy chế và quá trình hoạt động của công đoàn, cập nhật các văn bản pháp luật và các chính sách mới liên quan đến chính sách, kinh phí công đoàn…;
Bảo hiểm xã hội: Tư vấn, rà soát, đăng kí, kê khai và đưa ra các giải pháp về các vấn đề pháp lý đối với các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động trong công tác bảo hiểm. Soạn thảo, hoàn thiện và đăng kí thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp;
Tuyển dụng, đào tạo, học nghề: Tư vấn, rà soát và đưa ra các giải pháp về các vấn đề pháp lý đối với quy trình tuyển dụng nhân sự, đào tạo, học nghề; cập nhật các văn bản pháp luật và các chính sách mới liên quan dạy nghề, học nghề;
Hoàn thiện và cung cấp các biểu mẫu: Các hợp đồng và các quyết định ban hành,…

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây