Tổ chức Công đoàn tại công ty không thăm hỏi người lao động khi ốm đau thì xử lý thế nào?

0
587

Tư vấn trường hợp người lao động nghỉ ốm đau nhưng công đoàn tại công ty không tiến hành thăm hỏi, động viên. Quy định về thưởng lễ, tết đối đối với người lao động, nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi:

Tôi làm công nhân lái xe buýt của xí nghiệp xe buýt từ tháng 1/2012 đến nay. Tiền bảo hiểm các loại tôi đều đóng đầy đủ, tiền công đoàn của xí nghiệp cũng trừ đều đặn hàng tháng. Nhưng đến khoảng giữa tháng 1/2018 vì lý do sức khỏe và vài chuyện riêng của gia đình khiến tôi không thể tập trung để lái xe buýt được, sợ rằng sẽ gây ra chuyện lớn nên tôi đã báo cơ quan xin nghỉ ốm để nghỉ ngơi và ổn định tinh thần. Điều làm tôi không hiểu là khi tôi báo nghỉ ốm như thế mà chẳng thấy công đoàn của tuyến, công đoàn xí nghiệp, tổ trưởng hay bất kỳ ai hỏi thăm. Và tôi cũng bị cắt luôn tiền thưởng tết. Xin hỏi luật sư
như vậy là đúng hay sai ạ? Tôi muốn đòi lại quyền lợi của mình thì phải làm gì ạ? Cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới V-Law, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về vấn đề tham hỏi, trợ cấp của tổ chức công đoàn khi bạn nghỉ ốm:

Điều 18 Luật công đoàn 2012 có quy định về quyền của đoàn viên công đoàn như sau:
“1. Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm  phạm.
2. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.
3. Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.
4. Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
5. Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
6. Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.
7. Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.”
Điều 27 Luật công đoàn 2012 quy định về quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn như sau:
“…
h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
…”
Căn cứ theo các quy định đã nêu trên thì sau khi tham gia tổ chức công đoàn tại công ty nếu bạn bị ốm đau phải nghỉ việc thì bạn có quyền được công đoàn thăm hỏi, trợ cấp. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về trách nhiệm bắt buộc thăm hỏi
khi người lao động ốm đau của công đoàn cũng như chế tài xử lý khi công đoàn không đảm bảo quyền của người lao động là như thế nào do đó với trường hợp này rất khó để xem xét xử lý tổ chức công đoàn của công ty bạn theo quy định.

Với vấn đề tiền thưởng tết khi bạn nghỉ ốm đau:

Điều 103 Bộ luật lao động 2012 quy định về tiền thưởng như sau:
“1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”
Như vậy, tiền thưởng là chế độ riêng của từng công ty được xác định dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Đối với trường hợp của bạn, bạn cần kiểm tra lại quy chế thưởng của công ty xem mình có đủ điều kiện nhận chế độ thưởng lễ, tết hay không. Nếu bạn phù hợp với các tiêu chí  hưởng đã công bố mà công ty không chi trả cho bạn thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu công ty xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi –  Số điện thoại liên hệ:  1900.6198 để được hỗ trợ kịp thời.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây