Contents
Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là gì?
Trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là loại trách nhiệm pháp lý bằng cách truy cứu trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện nghĩa vụ lao động đã gây ra.
Quy định về trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động là điều cần thiết để đảm bảo mọi người khi làm việc có tinh thần tự giác, có trách nhiệm khi thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ lao động, đảm bảo trật tự, kỷ luật trong doanh nghiệp
Căn cứ pháp lí
Bộ luật lao động năm 2012;
Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
Đặc điểm của trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động
Trách nhiệm vật chất có những đặc điểm khác biệt với những trách nhiệm khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm thực hiện công việc, đó cũng chính là cơ sở để phân biệt trách nhiệm vật chất với các trách nhiệm khác:
Thứ nhất, trách nhiệm vật chất trong luật lao động chỉ áp dụng đối với một bên của quan hệ lao động, đó là người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động. Đây là trách nhiệm mà người lao động phải chịu đối với người sử dụng lao động khi có hành vi gây ra thiệt hại, là sự ràng buộc để người lao động nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm túc kỷ luật trong khi làm việc
Thứ hai, trách nhiệm vật chất chỉ phát sinh khi trong khi người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Đối với trách nhiệm vật chất thì người sử dụng chỉ được áp dụng đối với người lao động khi trách nhiệm đó xảy ra khi người lao động đang thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động gây ra thiệt hại
Thứ ba, tài sản bị thiệt hại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu giữ hoặc chế biến của người sử dụng lao động. Để truy cứu trách nhiệm vật chất đối với người lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được thiệt hại xảy ra đối với tài sản thuộc phạm vi của mình có quyền
Thứ tư, trách nhiệm vật chất do người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động. Chủ thể được áp dụng trách nhiệm này đó chính là người sử dụng lao động, vì người sử dụng lao động là người đang bị xâm phạm về quyền và lợi ích liên quan nên người sử dụng lao động có quyền áp dụng chế tài này để bảo vệ quyền lợi của mình
Căn cứ để áp dụng trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động
Việc áp dụng trách nhiệm vật chất chỉ được tiến hành khi có các căn cứ như sau:
Thứ nhất, khi có hành vi vi phạm kỷ luật lao động: hành vi vi phạm kỷ luật lao động là sự vi phạm các nghĩa vụ lao động, không hoàn thành nghĩa vụ được giao hoặc thực hiện sai các nghĩa vụ đó. Các nghĩa vụ này chủ yếu được quy định trong nội quy lao động và trong quá trình quản lý điều hành trực tiếp của người sử dụng lao động. Chỉ khi người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì mới có căn cứ áp dụng truy cứu trách nhiệm vật chất
Thứ hai, khi có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động: Về nguyên tắc cơ bản khi chịu trách nhiệm về vật chất thì người sử dụng lao động phải chứng minh được thiệt hại về tài sản mà người lao động gây ra là như thế nào thì mới có căn cứ để yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm, do đó mặc dù người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật nhưng người sử dụng không chứng minh được thiệt hại thì không có căn cứ yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm
Thứ ba, khi có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại tài sản: đối với thiệt hại về tài sản xảy ra phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm, thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động phải do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động gây ra và sự thiệt hại là kết quả tất yếu của hành vi đó mới có căn cứ để yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm.
Thứ tư, khi người lao động gây thiệt hại tài sản có lỗi: Theo quy đinh của pháp luật, lỗi trong trách nhiệm vật chất là thái độ tâm lý của người có hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây thiệt hại đến tài sản của người sử dụng lao động. Theo đó nếu người lao động có lỗi và gây ra thiệt hại mới phải có trách nhiệm bồi thường, nếu không có lỗi mà thiệt hại gây ra do nguyên nhân khách quan thì không phải chịu trách nhiệm vật chất
Bồi thường trách nhiệm vật chất trong quan hệ lao động.
Theo quy định tại điều 130 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại vật chất cho người sử dụng lao động khi người lao động gây ra thiệt hại về tài sản, làm hư hỏng dụng cụ thiết bị của người sử dụng lao động. Mặc dù trong quy định của luật không quy định cụ thể hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị và tài sản của người sử dụng lao động, hay mức bồi thường như thế nào nhưng đối với trường hợp nếu như người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với lỗi vô ý với giá trị tài sản bị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì người lao động chỉ phải bồi thường ở mức nhiều nhất là 3 tháng tiền lương theo hợp đồng ao động. Để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người lao động thì luật quy định cách bồi thường là khấu trừ hằng tháng vào tiền lương với mức không quá 30% tiền lương tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản khác liên quan như bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân
Đối với trường hợp người lao động làm mất công cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động thì nếu như trong hợp đồng lao động có điều chỉnh về trách nhiệm của người lao động khi làm mất công cụ thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động thì người lao động sẽ phải bồi thường theo cam kết đó. Những điều khoản cam kết này thể hiện trách nhiệm của người lao động khi công việc của họ có liên quan đến những tài sản có giá trị tương đối lớn. Và mức bồi thường cũng như cách thức bồi thường sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu như hai bên không thống nhất với nhau trong hợp đồng thì đối với các tài sản, công cụ thiết bị bị mất thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường.