Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Quá trình xác lập hợp đồng lao động là giai đoạn rất quan trọng, bởi nó thể hiện sự hợp tác của các bên để đi đến sự thống nhất ý chí nhằm thiết lập nên quan hệ lao động. Hơn nữa đây là thời điểm các bên bắt đầu có những tiếp xúc, do vậy, quá trình xác lập quan hệ cũng là quá trình để các bên tìm hiểu, đánh giá về nhau một cách trực tiếp từ đó lựa chọn và ra quyết định chính thức. Mặt khác, quan hệ lao động có được hình thành trên cơ sở sự bền vững, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có phù hợp và được đảm bảo hay không, phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn này. Vì vậy, để xác lập được quan hệ lao động hài hoà, ổn định trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, các bên cần phải có ý thức pháp luật và thiện chí khi thương lượng.
Trình tự xác lập hợp đồng lao động có thể chia làm 3 giai đoạn:
Contents
Giai đoạn 1: Các bên thể hiện và bày tỏ sự mong muốn thiết lập quan hệ hợp đồng lao động.
Đây là quá trình cụ thể hoá nguyên tắc tự do, tự nguyện trong giao kết hợp đồng lao động. Khi các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng lao động thì phải biểu lộ nhu cầu đó ra bên ngoài dưới một hình thức nào đó.
Về phía người sử dụng lao động có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo trước cổng doanh nghiệp, nơi công cộng hay thông qua các trung tâm tư vấn… kèm theo đó là những yêu cầu sơ bộ về tuyển dụng.
Người lao độngkhi tiếp nhận được thông tin nói trên, nếu có nhu cầu làm việc và xét thấy phù hợp có thể trực tiếp đến doanh nghiệp hoặc thông qua trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm để bày tỏ nguyện vọng của mình. Đây là giai đoạn các bên chưa hề có sự chi phối lẫn nhau và họ có thể chấm dứt quan hệ ngay lần gặp gỡ đầu tiên mà không hề có sự ràng buộc về mặt pháp lí.
Giai đoạn 2: Các bên thương lượng và đàm phán nội dung hợp đồng lao động.
Đây là giai đoạn, xét về phương diện pháp lí, chưa làm nảy sinh các quyền và nghĩa vụ cụ thể, hai bên chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động còn nếu thương lượng không đạt kết quả giữa các bên không hề có ràng buộc nghĩa vụ pháp lí.
Ví dụ, khi thương lượng hợp đồng lao động nhưng nếu không đi đến kết quả người sử dụng lao động không thể đòi người lao động bồi thường vì làm mất thời gian của họ hay người lao động không thể yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường chi phí đi lại.
Xét về mặt thực tế của quan hệ đây là giai đoạn rất quan trọng. Quan hệ lao động trong tương lai có ổn định, hài hoà, bền vững hay không như trên đã trình bày phụ thuộc rất lớn vào thái độ, sự thiện chí và ý thức của các bên khi thương lượng.
Trong thực tế, quá trình thương lượng, đàm phán hợp đồng giữa hai bên hầu như không có và nếu có thường không được thực hiện với ý nghĩa đích thực của nó. Thông thường các đơn vị, doanh nghiệp kí kết hợp đồng lao động với người lao động trên cơ sở bản hợp đồng lao động đã được chuẩn bị sẵn hoàn toàn nội dung, người lao động sẽ xem xét và nếu đồng ý thì kí vào bản hợp đồng lao động. Cách làm này thật ra không có gì vi phạm về mặt pháp lí tuy nhiên nó không phản ánh đúng bản chất của quan hệ và ít nhiều có chứa đựng những mầm mống bất lợi cho quan hệ trong tương lai.
Về phía người lao độngkhi không được thương lượng, đàm phán nội dung hợp đồng lao động thì nhiều khi vì nhu cầu việc làm họ vẫn có thể kí hợp đồng lao động mà trong đó các quyền và lợi ích hợp pháp hoặc các điều kiện thực hiện chưa phản ánh đầy đủ như mong muốn và nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng để thương lượng hợp đồng lao động với người sử dụng lao động thật sự bình đẳng từ đó tạo lập mối quan hệ chứa đựng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong điều kiện hiện nay với người lao động hoàn toàn không dễ dàng. Sự khó khăn này vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.
Giai đoạn 3: Hoàn thiện và giao kết hợp đồng lao động.
Các bên kết thúc giai đoạn đàm phán bằng việc thống nhất những thoả thuận và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động.
Đối với hợp đồng lao động bằng lời nói (bằng miệng) khi giao kết nếu cần thiết thì có người làm chứng.
Đối với hợp đồng bằng văn bản, các bên thể hiện những thoả thuận của mình vào các điều khoản của hợp đồng lao động và sau đó tiến hành kí kết hợp đồng lao động.